THỦ TỤC LY HÔN ĐƠN PHƯƠNG

 

1. Căn cứ đơn phương ly hôn

     Tại khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về căn cứ để ly hôn theo yêu cầu một bên thì:

 Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

     Như vậy, không phải bất cứ trường hợp nào vợ hoặc chồng có yêu cầu ly hôn đơn phương cũng đều được Tòa án chấp nhận mà cần có những căn cứ ly hôn cụ thể được quy định ở trên.

2. Cơ sở pháp lý quy định thủ tục ly hôn đơn phương

- Luật hôn nhân và gia đình 52/2014/QH13

- Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân và gia đình.

3. Thủ tục ly hôn đơn phương

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ ly hôn đơn phương

- Đơn ly hôn đơn phương;

- Giấy chứng nhận kết hôn (bản chính);

- CMND/CCCD của vợ và chồng (bàn sao có công chứng);

- Sổ hộ khẩu của vợ và chồng;

- Giấy khai sinh của các con (bản sao có công chứng);

- Các giấy tờ chứng minh tài sản của hai vợ chồng;

Bước 2: Nộp hồ sơ ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền

   Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định thẩm quyền giải quyết đơn phương ly hôn theo cấp như sau:

Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này.

   Ngoài ra, tại Khoản 1 Điều 39 Bộ luật này cũng quy định về thẩm quyền theo lãnh thổ của tòa án giải quyết tranh chấp dân sự nói chung và tranh chấp về hôn nhân gia đình nói riêng. Cụ thể:

   Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này.

   Từ các quy định trên ta có thể thấy, thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc. Do đó, đơn khởi kiện ly hôn đơn phương sẽ được nộp tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú hoặc làm việc của bị đơn.

Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm

   Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo trả kết quả của Tòa án về việc nộp tạm ứng án phí, bạn phải tiến hành đóng án phí tại cơ quan thi hành án và đem nộp biên lai cho Tòa án

Sau khi Tòa án thụ lý vụ án, sẽ tiến hành thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn và bị đơn.

Bước 4: Tòa án tiến hành triệu tập và hòa giải

   Thông thường một vụ án đơn phương ly hôn sẽ có thời gian kéo dài từ 04 đến 06 tháng. Trong thời gian chuẩn bị xét xử, tùy từng trường hợp Thẩm phán sẽ ra các quyết định sau đây:

 (1) Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự

 (2) Đình chỉ giải quyết vụ án

 (3) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án

 (4) Đưa vụ án ra xét xử

   Trường hợp hòa giải không thành mà vụ án không thuộc trường hợp (2), (3) thì Thẩm phán sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Bước 5: Xét xử tại phiên Tòa

   Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa. Trường hợp có lý do chính đáng thì có thể gia hạn thời hạn này nhưng không quá 02 tháng. Kết thúc phiên tòa, kết quả giải quyết yêu cầu đơn phương ly hôn sẽ được quyết định bằng bản án.

 

                                          Để được tư vấn và hỗ trợ dịch vụ vui lòng liên hệ Luật An Nghiệp

Hotline: 079 44 77 555

Email: lsnguyenhieuhcm@gmail.com

Website: luatsudongnai.com.vn

        Address: 1680 - Nguyễn Ái Quốc- KP6- Biên Hòa - Đồng Nai

 

 

 

Dịch vụ khác